Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Dở khóc dở cười chuyện tuyển dụng

Công việc nào cũng có những mệt mỏi và khó khăn riêng, nghiệp tuyển dụng cũng vậy: Khó khăn bắt nguồn từ chính những ứng viên “mới chớm” mong muốn tiếp cận với công ty bạn và bạn đang rất sẵn lòng nhận hồ sơ từ họ. Điều mình muốn chia sẻ trong blog này chính là những tình cảnh “dở khóc dở cười” trong tuyển dụng, cất lên tiếng nói đồng cảm với anh chị, bạn bè cùng nghiệp, đồng thời mang đến những góp ý giản đơn mà quan trọng cho các bạn ứng viên, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, đươc rút ra từ chính những trải nghiệm của bản thân mình.


1. Đọc tin tuyển dụng

Có thời gian mình làm Sales bên công ty CMC Telecom, công việc chính vẫn là bán hàng nhưng mình cũng hỗ trợ tuyển dụng cộng tác viên và nhân viên kinh doanh. Kênh chủ yếu mình đăng tin lúc đó là facebook, nội dung đăng tuyển đã đầy đủ các thông tin: Yêu cầu trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm; các nhiệm vụ; mức lương, chế độ thì mình đã đề là thỏa thuận (trao đổi khi phỏng vấn) vì vị trí này lương tùy năng lực của nhân viên, ở đâu cũng vậy. Thế nhưng vẫn có những bạn inbox rồi bình luận hỏi có đòi hỏi kinh nghiệm không, lương cứng thế nào, tính lương ra sao. Gặp những câu hỏi như vậy thấy rất khó xử, vì tất cả mình đều đã ghi rõ ràng, còn vấn đề lương mình đành trả lời các bạn rằng đây là vấn đề bảo mật công ty, lúc đi phỏng vấn các bạn có thể hỏi trực tiếp anh chị phỏng vấn bạn.

Vấn đề ở đây là bạn nên đọc kỹ tin tuyển dụng. Tin tuyển dụng tuy nội dung khá tóm tắt nhưng cũng đầy đủ thông tin để bạn biết rằng bạn có nên ứng tuyển hay không. Trong trường hợp tin tuyển thiếu hoặc không rõ ràng, bạn có thể đặt nghi vấn về tính chất chuyên nghiệp của công việc, hoặc nếu cảm thấy thực sự quan tâm có thể gọi điện hoặc inbox hỏi cho rõ.

2. Viết CV

May mắn cho mình khi được đọc khá nhiều CV của các bạn gửi về cho vị trí nhân viên kinh doanh, mình phát hiện ra rằng với các bạn sinh viên mới ra trường CV đều khá sơ sài, mục tiêu viết không rõ ràng hoặc không có, trình bày không chia mục và ngôn từ còn dài dòng. Một vài CV ứng tuyển nhân viên kinh doanh nhưng ghi kinh nghiệm, kỹ năng không liên quan đến lĩnh vực tuyển dụng. Điều này sẽ khiến cho người lọc hồ sơ như mình thấy rằng các bạn không thực sự quan tâm đến lĩnh vực này hoặc các bạn đang rải CV mà thôi.

Bạn biết đấy CV chính là bản tự thuật mang lại ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng về bạn, nên mình nghĩ nó rất quan trọng J Mình cũng là sinh viên mới ra trường thôi, nên mình cũng hiểu và muốn chia sẻ để chúng ta cùng phát triển. Mình còn nhớ lần đầu tiên mình viết CV là xin vào vị trí thực tập sinh tại FPT shop cách đây 1 năm. Sau cuộc phỏng vấn, chị phụ trách đã nhận xét CV của mình, rằng bố cục chia chưa rõ ràng, trình bày không đẹp, và các ý viết còn dài dòng quá. Những góp ý ấy thực sự rất quý giá với mình tới tận bây giờ. Sau này, mình cùng 2 người bạn tham gia một khóa học viết CV miễn phí bên Vietfounder, tuy chỉ 2 ngày học thôi nhưng cũng đủ để chúng mình hoàn thiện bản hồ sơ năng lực của mình.

Điều mình muốn nhấn mạnh trong mục này đó là các bạn nên chau chuốt hơn nữa cho CV của mình trước khi ứng tuyển vào 1 công việc. Điều này sẽ giúp ích cho bản thân bạn tạo được ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng, mặt khác cũng giúp họ đỡ vất vả trong việc lọc CV.

3. Gửi mail cho nhà tuyển dụng

Một chuyện dở khóc dở cười khác là việc gửi mail cho nhà tuyển dụng: Không có nội dung mail (thư trống) hoặc không đính kèm hồ sơ. Mình đã từng gửi mail trống đến nhà tuyển dụng và sau đó bị mắng cho té tát rằng làm như vậy là không tôn trọng người nhận và bị yêu cầu gửi lại 1 mail khác (do cũng có tay trong J). Sau này, khi là người nhận hồ sơ, mình cũng nhận nhiều tình huống tương tự. Mail trống là thể hiện thái độ thiếu tôn trọng người nhận và công việc cũng như sự thiếu chuyên nghiệp của bạn. Vì thế từ bây giờ dù gửi email đến đâu cũng nhớ có nội dung thư bạn nhé. Chỉ vài dòng đơn giản thôi, ví dụ như:

Kính gửi…
Tôi tên là … học (đã tốt nghiệp)… Tôi thấy tin tuyển dụng của công ty qua… Tôi cảm thấy mình có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với vị trí này. Vì thế tôi gửi email kèm hồ sơ bên dưới kính mong quý công ty xem xét.
Rất mong nhận được phản hồi sớm từ phía quý công ty.
Trân trọng!
---------------
Thông tin cá nhân: (Sđt, email, skype…)


Nên đọc: Nghệ thuật viết email cho nhà tuyển dụng

4. Phản hồi mail

Một điều nữa cũng khiến các nhà tuyển dụng không hề hài lòng: ứng viên không gửi lại email phản hồi. Mình đã được nghe kể khá nhiều về tình trạng này, bản thân mình cũng đã từng trải qua. Những email thông báo lịch phỏng vấn, địa điểm có yêu cầu các bạn xác nhận được gửi đi và đa phần đều không có hồi âm (70%). Một email ngắn gọn, báo rằng bạn đã nhận được mail và sẽ có mặt đúng giờ sẽ khiến nhà tuyển dụng vui hơn và có thiện cảm hơn với bạn đấy.

5. Đi phỏng vấn

Câu chuyện đi phỏng vấn cũng không ít lần khiến mình thấy vất vả vô cùng. Gọi điện báo các bạn đi phỏng vấn, đã có lần như sau:
Mình: Chào bạn, mình gọi điện cho bạn từ CMC Telecom.
A: À vâng, có chuyện gì không chị? (?!?!?)
Mình: Mình đã nhận được thông tin của bạn và muốn mời bạn tham gia phỏng vấn vào……
A: À à, để em xem lại đã ạ. Có gì em sẽ báo lại chị ạ.

Sau đó thì không bao giờ mình nghe thông tin gì từ bạn ấy nữa.
Bạn nghĩ sao về đoạn hội thoại trên. Với mình, thì mình có chút buồn và tủi thân ấy. L Vì hình như bạn ấy không quan tâm thực sự đến công việc trong khi đã gửi CV đến cho mình.
Câu chuyện thứ 2 là đến phỏng vấn. Có những bạn chắc chắn với mình rằng sẽ đến, nhưng sau đó lại không thấy đâu, và cũng không có thông tin lại rằng vì sao bạn không đến được. Mình luôn phải kiểm tra lại các trường hợp này, lý do cũng đa dạng: có việc gấp về quê, không muốn làm nữa, cần tìm hiểu thêm… Mình không muốn nhấn mạnh đến lý do có hợp lý hay không, nhưng vấn đề là nếu bạn không thể tham gia cuộc phỏng vấn, mong rằng bạn có thể nhắn 1 tin nhắn hoặc gửi email thông báo về điều đó, vừa trở nên lịch sự hơn, vừa giúp người khác đỡ vất vả chờ đợi mình.
Tóm lại, về câu chuyện phỏng vấn: đến đúng giờ và báo trước nếu đến muộn hoặc không đến được cho nhà tuyển dụng biết là những nguyên tắc cần nhớ bạn nhé.

6. Gửi CV lên các web tuyển dụng

Bạn biết không, việc bạn gửi CV lên các web tuyển dụng đôi khi sẽ mang đến cơ hội việc làm tuyệt vời cho bạn đấy. Công việc hiện tại của mình cũng là tìm kiếm ứng viên tiềm năng trên các web tuyển dụng như thế. Mình nhận thấy rằng các bạn hình như chưa đánh giá hết tầm qua trọng của việc gửi hồ sơ lên kênh này, vì thế nội dung hồ sơ rất sơ sài, không rõ ràng, không cho nhà tuyển dụng cơ hội được đánh giá xem bạn có tiềm năng hay không. Điều này thực sự gây khó khăn cho nhà tuyển dụng, và cũng giảm đi cơ hội tìm kiếm việc làm của chính bạn.

KẾT LUẬN

Về câu chuyện tuyển dụng, với sự tương tác giữa ứng viên và nhà tuyển dụng thì chắc còn nhiều lắm. Trên đây chỉ là một vài chia sẻ của mình, dựa trên nhưng trải nghiệm thực tế và suy ngẫm của bản thân, rất mong sẽ giúp ích cho mọi người trong quá trình tiếp cận với công việc mơ ước trong tương lai. J

Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá

Bài liên quan


EmoticonEmoticon