Mình đã chia sẻ rất nhiều điều về những câu chuyện thực tế xảy ra trong quá trình mình làm thực tập HR ở những bài viết trước. Còn trong blog lần này, mình muốn đưa ra những cái nhìn tổng quan nhất về nghiệp HR, tổng kết những điều mình đã tìm hiểu và đọc được. Tuy điều này hơi có vẻ lý thuyết, nhưng tất cả chúng ta đều hiểu thực tiễn luôn bắt nguồn từ lý luận mà đúng không nhỉ?
Theo tôi nhân sự là…?
Mình đã đọc được khá nhiều định nghĩa hay ho về nghề nhân sự, nhưng mình thích nhất quan niệm người làm nhân sự như một chất vữa gắn kết mọi người trong tổ chức lại với nhau, thấy có ý nghĩa lắm.
Làm nhân sự là làm tất tần tật các công việc liên quan đến con người, và hiệu quả cao thấp của nghề này cũng được đánh giá thông qua con người. Điều này có nghĩa rằng, ngoài những công việc có tính quy trình và lý thuyết như: tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, xây dựng chính sách (lương, thưởng, chế độ),… nghề HR còn có nhiệm vụ gắn kết mọi người thành một khối, động viên tinh thần, thúc đẩy họ trong công việc và cuộc sống thường ngày.
Người làm nhân sự đưa nhân tài về cho công ty thông qua xác định nhu cầu tuyển dụng, xác định nguồn tuyển dụng, tiếp nhận và lọc hồ sơ, gọi phỏng vấn, test ứng viên, đánh giá và ra quyết định tuyển dụng.
Người làm nhân sự làm cầu nối đưa nhân viên mới hòa nhập với môi trường công ty, làm hợp đồng, bảo hiểm xã hội, thực hiện các chế độ, đào tạo hội nhập,…
Người làm nhân sự là trọng tài đánh giá ứng viên: đánh giá KPI, đánh giá hiệu suất, định biên, thăng tiến hay luân chuyển, đánh giá ABC… Từ đó đưa ra các quyết định đào tạo, luân chuyển, thăng tiến hoặc đào thải.
Người làm nhân sự là người ở giữa trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên và nhân viên mà lắng nghe, giải quyết các vấn để phát sinh trong những mối quan hệ đó.
Bộ phận nhân sự không đơn thuần là làm việc hành chính, mà như một kênh cung ứng theo nhu cầu của các phòng ban khác, ở đây là cung ứng một mặt hàng đặc biệt: con người – chất lượng và đem lại hiệu quả cao. Xét về các nhóm công việc lớn của HR, có thể chia làm 2: nhóm triển khai vật lý (tuyển dụng, đào tạo, lương…) và nhóm dự án (chuyên viên dự án, tư vấn).
Sướng khổ của nghề nhân sự?
Liệt kê ra có 1 số gạch đầu dòng bên trên thôi, nhưng đọc kỹ sẽ thấy có thật nhiều đầu việc, và điều phức tạp ở chỗ là xử lý các vấn đề liên quan đến con người. Mà bạn biết đấy, con người chính là khởi nguồn của mọi sự “phức tạp” trên thế giới này :D
Nỗi khổ của người làm nhân sự là bạn ở giữa các mối quan hệ trong công ty, là người dung hòa và làm hài lòng tất cả mọi người. Việc làm hài lòng tất cả thực sự chẳng đơn giản phải không nào? Bạn sẽ phải chịu những áp lực từ nhiều phía: sếp to, sếp nhỏ rồi đến nhân viên.
Tuy vậy, bù lại, người làm nhân sự cũng là người có sức mạnh mềm, rất có uy tín trong công ty và được mọi người tin tưởng. Bạn là người nắm giữ thông tin về “miếng cơm manh áo” của mọi người, bạn cũng là người làm việc nhiều với sếp, được quyền đưa ra các nhận xét cảm tính về người khác và có thể ảnh hưởng đến các quyết định đối với vị trí hiện có của họ.
Người làm nhân sự phải như thế nào?
Đầu tiên tôi muốn nói đến thuật ngữ ASK – năng lực nghề nghiệp, được cấu thành bởi 3 yếu tố:
Tri thức chuyên môn (Knowledge)
Kỹ năng nghề nghiệp (Skills)
Thái độ đối với nghề (Attitude)
Có thể đánh giá năng lực của người làm nhân sự như sau:
Thứ nhất, phải có kiến thức về nhân sự, được thể hiện bằng chuyên ngành hoặc bằng cấp liên quan đến lĩnh vực nhân sự. Thực tế, nếu không có kiến thức bài bản về nhân sự, bạn vẫn có thể làm nhân sự tốt, nhưng sẽ va vấp và gặp nhiều khó khăn. Vì thế, dù thế nào cũng nên trau dồi, bổ sung và hoàn thiện tri thức nghề nghiệp cho bản thân.
Thứ 2, phải có thái độ nghiêm túc với nghề. Đối với nghề nhân sự, bạn phải có thái độ yêu thích làm việc với con người, sự tư duy logic, trung thực và công bằng. Yêu thích làm việc với con người ở chỗ bạn không ngại giao tiếp và giao tiếp phải là thế mạnh của bạn, bạn nắm bắt tốt tâm lý người khác và khéo léo xử lý các vấn đề thông qua tài ăn nói của mình.
Có thể thấy thêm một số kỹ năng không thể thiếu mà người làm nhân sự phải có: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, làm việc nhóm, giảng dạy – quản lý, xử lý tình huống… Người làm nhân sự là người đa-zi-năng, biết điềm tĩnh đúng lúc và nhiệt tình, sôi nổi đúng thời điểm. Thêm vào đó, họ phải là người có sức lan tỏa, có thể truyền cảm hứng cho mọi người, là người có “một cái đầu lạnh và một trái tim ấm nóng”. :D
Mình đã đến với nghề nhân sự như thế nào?
Nói về bản thân, mình đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng khá nhiều vị trí: bán hàng, quản trị website hay telesales. Nhưng mình đều không tìm thấy niềm đam mê của mình trong đó. Từ nhỏ, mình đã hay được giữ các chức vụ quản lý trong lớp học, thích giao lưu, tổ chức các trò vui và cầm đầu các hoạt động phong trào của lớp. Vào một ngày đẹp trời, mình vào blog của anh Kính Cận và bắt gặp các bài viết liên quan đến nghề nhân sự. Trước đây, trong trường đại học mình cũng đã từng học qua môn Quản trị nhân sự và cũng đã thấy rất thích môn học đó. Tuy nhiên, vị trí nhân viên nhân sự thường đòi hỏi kinh nghiệm ít nhất một năm và chỉ ưu tiên cho các bạn học chuyên ngành liên quan đến nhân sự. Liệu mình có làm được không?
Suy nghĩ, trăn trở nhiều thứ, cuối cùng mình quyết định mình sẽ thử đi sâu vào lĩnh vực này xem sao, biết đâu sẽ tìm thấy niềm đam mê trong đó. Mình bắt đầu nộp CV ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh nhân sự ở một vài công ty, chấp nhận một mức lương thấp và sẵn sàng học hỏi và hoàn thành công việc được giao. Có lúc đã khóc vì cảm thấy bản thân kém cỏi, cái bằng đại học chẳng giúp ích được gì, nhưng rồi mình cũng tìm được một điểm dừng chân. Cho đến hiện tại, cảm thấy hài lòng và may mắn khi ở đó, tiếp tục tự tìm tòi, trau dồi, hoàn thiện bản thân: Đọc các tài liệu chuyên ngành, đọc sách về quản trị nhân sự, tiếng anh chuyên ngành nhân sự… Càng tìm hiểu sâu càng thích thú, đặc biệt là về mảng tuyển dụng, tương tự như ta đang chơi trò chơi ú tim thuở bé vậy.
Lộ trình công danh mà mình mong muốn ư? Chắc chắn là sẽ trở thành một chuyên viên nhân sự giỏi, và xa hơn là trở thành 1 nhà quản trị nhân sự khôn khéo. 2 năm cho chặng đường thứ 1 và 3 năm cho chặng đường thứ 2, hứa đấy! J
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
EmoticonEmoticon